Xử trí say nắng bằng y học cổ truyền




Y học cổ truyền coi khái niệm say nắng, say nóng thuộc phạm trù "trúng thử", tức trúng nắng, trúng nóng với các triệu chứng mặt đỏ vựng, mồ hôi vã ra như tắm, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, té ngã, nặng hơn thì ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự.

Xử trí khi bị say nắng
Trước hết nhanh chóng đưa người bệnh vào nơi râm mát, thoáng gió, tránh đông người, nới lỏng các đồ mặc trên người, khi cần thiết phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
Sau đó cần tiến hành  một số thủ thuật sau đây:

- Bấm mạnh vào một số huyệt mang tính kích thích mạnh:

+ Huyệt nhân trung: 1/3 phía trên rãnh nhân trung (rãnh thủy câu), ở môi trên.

+ Huyệt thừa tương: Hõm dưới môi dưới

+ Huyệt hợp cốc: Hõm giữa ngón tay trỏ và tay cái, bấm cả hai bên

+ Huyệt ấn đường: Giao điểm giữa hai đầu lông mày, ở trán, xoa và day nhẹ.

- Vã một ít nước mát lên mặt người bệnh, cho nhanh tỉnh.

- Thổi vào mũi người bệnh hỗn hợp bột thông quan (thông quan tán), với một lượng nhỏ bằng hạt đậu xanh, bằng cách để bột ở một đầu ống giấy, thổi mạnh vào đầu kia, bột sẽ kích thích niêm mạc mũi họng để khai khiếu, tỉnh thần, trừ đờm... làm người bệnh mau chóng tỉnh dậy.

Thành phần thông quan tán

+ Thân rễ xương bồ (thạch xương bồ hoặc thủy xương bồ) thái phiến, phơi khô, tán mịn.

+ Tạo giác (quả bồ kết khô), bỏ hạt, sao vàng, tán mịn.

Hai thứ bột này đồng lượng. Đồng thời thêm vào hỗn hợp trên, khoảng 5 - 10%, chất băng phiến (bocneol), hay còn gọi là mai hoa băng phiến hoặc chất xạ hương. Chất bocneol là chất kết tinh chiết tách bằng cách chưng cất tinh dầu lá đại bi Blumea balsamifera (L.)DC., còn chất xạ hương là chất bột có mùi thơm đặc trưng của chất muscon, lấy từ túi xạ ở bụng con hươu xạ đực Moschus moschiferus  L. Cần chú ý, phụ nữ có thai không dùng bột có pha thêm xạ hương.

- Uống một trong những vị thuốc giải thử sau đây:

+ Các vị thuốc giải thử thường có vị nhạt, hơi ngọt hoặc đắng nhẹ, tính mát. Do đó có tác dụng giải thử, giải nhiệt, sinh tân dịch, chỉ khát. Trong thực tế, người ta thường dùng dưới dạng tươi, sau khi làm sạch, thêm chút muối ăn, giã nát vắt lấy nước cốt cho uống.

+ Các vị thuốc giải thử hay dùng: lá sen, cỏ nhọ nhồi (phần trên mặt đất), rau má (toàn cây), lá đậu ván, lá hương nhu tươi, dưa hấu (Tây qua), cả ruột và vỏ quả, mướp đắng (khổ qua)...

Làm gì để tránh bị say nắng?

Uống đủ nước, nhất là những ngày nhiệt độ ngoài trời cao, hoặc khi phải đi ngoài trời nắng, có thể uống thêm một số nước giải  khát như nước mơ, nước bí đao, nước rau má... Lúc trời quá nắng, hạn chế ra ngoài, nhất là đối với người già và trẻ em. Vì công việc phải đi ngoài nắng cần có các phương tiện phòng hộ: mũ, nón, kính râm, khăn ẩm che phần gáy... và thường xuyên  cung cấp đủ nước cho cơ thể. Ngoài ra, nếu có thể dùng lá sen tươi hoặc lá hương nhu tươi lót trong mũ để đội trên đầu, khi đi ngoài nắng. Không quên cung cấp đủ năng lượng, đủ nước vào những ngày nắng nóng để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống bệnh.    
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Theo SKĐS




Share your views...

0 Respones to "Xử trí say nắng bằng y học cổ truyền"

Đăng nhận xét